Nhà thờ họ Giang

NHÀ THỜ HỌ GIANG

Đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, mùa xuân năm Ất Tỵ (1845), nhà thờ họ Giang được xây dựng với tên gọi: "Giang tộc từ đường".

Họ Giang có gia phả, một họ có tên tuổi ở làng, đến nay đã có hơn mười đời. Cụ Thuỷ tổ, quan võ đời Lê, chức Thần Võ Vệ uý, hiệu Đức Biền. Cụ là người xây dựng nền móng họ Giang ta. Cụ Thám hoa, Văn Chung quận công; cụ Hiến sát cương trực, đã góp nhiều công nhiều đức từ nhỏ đến lớn vun đắp dòng họ vẻ vang tốt đẹp.

Họ Giang trước vẫn có thờ cúng, nhưng chia làm chi phái để thờ. Do đó có hạn chế về hiểu biết; chỉ biết các đời gần, mà không biết các đời xa, chỉ biết huyết thống nhỏ, mà không hiểu biết về huyết thống lớn. Bởi lẽ đó cần hợp lại xây nhà thờ, cùng chung nơi thờ cúng tổ tiên của họ.

Trong sách thánh hiền: Trình Tử và Chu Tử thường nói: "Tiết vu lễ, đích vu tình" (Mọi việc lễ bái, cốt có tình người). Bởi lẽ đó mà họ Giang xây dựng lên nhà thờ như vậy. Ba gian nhà trên làm bái đường (nơi thờ cúng tổ tiên), năm gian nhà dưới là nhà để bia, đồ thờ, vật dụng, nơi mà ngày giỗ tổ cả họ đến tập trung để cúng lễ. Nhà xây tường gạch vững chắc. Mọi chi phí trong việc xây dựng nhà thờ, người trong họ góp công sức tiền của, kể cả đất đai hương hoả của Ất nhị chi và Ất tứ chi cũng hiến góp để xây dựng từ đường.

Cụ Vệ uý là Thuỷ tổ của họ, cụ Thám hoa - quan trạng đầu tiên của họ, cụ Hiến sát ở hàng cháu đều được thờ cúng ở từ đường, bởi lẽ cụ Thám hoa có tiếng tăm đi sứ là như vậy, cụ Hiến sát nếu có tách ra cũng là chi trưởng vậy. Do đó phải có nhà thờ chung để thờ cúng tiên tổ của họ. Các thế hệ nối tiếp về sau phải căn cứ thứ bậc mà theo. Từ một, hai đời (tả chiêu, hữu mục) đến trăm đời về sau vẫn nghĩ đến dòng họ, vẫn có nhà thờ chung để thờ cúng tổ tiên.

Than ôi! Một gốc không thể cắt bỏ cành nào được. Cùng một dòng họ, các thế hệ có khác nhau, nhưng cùng thờ cúng chung một tổ tiên. Ta không thể chia ra, mà coi xem gần hay xa, thân hay sơ, mà phải biết cùng nhau đến nhà thờ để cúng bái tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên, điều đó phải cùng nhau biết tôn kính. Họ ta từ xưa đã có quy ước, khuôn phép, lấy đó ghi chép mà theo, làm cho họ Giang vẻ vang, cho người đời biết đến.

Minh viết (Gia phả ghi chép rõ ràng): Mười đời về trước, và mãi đến trăm đời về sau đều biết.

Mừng thay! Mừng thay! Đây là từ đường họ Giang, đây là văn bia ghi chép.

Triều Nguyễn, Tự Đức năm thứ hai, tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1849).

Cháu đời thứ 10 của họ Giang

Đỗ giải nguyên khoa Giáp Ngọ - Đô sát viện, Kinh kỳ đạo trưởng, giám sát ngự sử.

Giang Văn Hiển phụng bái.

(Giang Văn Khuê dịch ra quốc ngữ.)

VINH QUẬN CÔNG GIANG THÁM HOA, VĂN CHUNG TIÊN SINH HÀNH TRẠNG

(Bài do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo viết về cụ Thám hoa)

Ông họ Giang, huý Văn Minh, tự Quốc Hoa, thuỵ Văn Chung, là người làng Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây.

Cụ Thuỷ tổ, hiệu Đức Biền quan võ, chức Thần Võ Vệ uý đời tiền Lê. Cụ tổ đời thứ hai hiệu Giới Ông, Ấm tú Lâm cục. Cụ tổ đời thứ ba, hiệu Nhuận Phổ nho sinh trung thức. Lúc đầu văn phái họ Giang là như vậy.

Tương truyền rằng: Ông sinh vào giờ Tuất, ngày Nhâm ngọ, mồng sáu tháng chính năm Quý dậu (1573) niên hiệu Gia Thái năm thứ nhất đời Lê Thế Tông (1573 - 1599). Lúc còn trẻ ông cùng tiến sĩ họ Phùng ở quận Kim Bí, tiến sĩ họ Lã ở Cam Đà cùng chung suy nghĩ khác người, lấy sự nghiệp lớn làm trọng. Thời vua Lê Thần Tông (1619 - 1663), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ mười, năm Mậu Thân (1628) ông đỗ đầu thi Hội và thi Đình. Ông làm bài hay vào bậc nhất, và đỗ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh (Thám hoa) và đỗ hợp cách (Theo quy chế của nhà vua năm đó triều đình chỉ lấy Thám hoa).

Vẫn ở thời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long năm thứ ba (1631), vua phong tước, chức Thái bộc tự Khanh, phúc lộc bá. Tháng chín năm Đức Long giúp vua Lê, chúa Trịnh. Ông cùng với con thứ của chúa Trịnh là Trịnh Tộ, trấn giữ Nghệ An, chấp hành mọi quân lệnh, hành cấm ở trong phủ Tây vậy.

Mùa đông năm Dương Hoà (1637), đời Lê Thần Tông, ông là sứ giả chính thức của Việt nam với nhà Minh ở Trung hoa.

Vua nhà Minh ra vế đối "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (có nghĩa là Cột đồng đến nay vẫn rêu xanh. Ngụ ý nhắc đến thời kỳ Trung hoa xâm chiếm và cai trị nước ta).

Ông liền đối lại: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng (có nghĩa là: Sông Bạch đằng từ xưa máu quân thù còn loang đỏ. Ý nhắc lại chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 và của tướng Trần Hưng Đạo năm 1288 trên sông Bạch Đằng đã đánh bại quân phía Bắc - tức quân Nam Hán và quân Nguyên).

Vua nhà Minh rất tức giận và nói: "Tại sao nước Nam lại có người dám nói như vậy". Sau đó sai quân mổ bụng xem gan mật ông lớn đến chừng nào, rồi cho ướp thủy ngân và nhân sâm vào thi hài ông và trả về nước ta.

Thi hài ông về đến Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh đến tận nơi than rằng: "Sứ bất nhục quân mệnh khả vi thiên cổ anh hùng" (đại ý là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua giao, thật xứng đáng là bậc anh hùng muôn thuở).

Trong lễ an táng, điếu văn của nhà vua có câu: "Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, sinh ư khoa giáp, kỳ sinh dã vinh" (có nghĩa là Ai mà chẳng sống, sống như ông vậy, sống đỗ đạt khoa giáp, thật là đáng sống).

"Thục bất hữu tữ, tử như công dã, tử ư quốc sự, kỳ tử do sinh" (có nghĩa là: Ai mà chẳng chết, chết như ông vậy, chết vì việc nước, thì cái chết như sống mãi). Ông lại được tặng phong Công bỗ tả thị lang, Vinh quận công.

Ông mất vào năm thứ hai khi đi sứ nhà Minh (1638). Ngày giỗ của ông: Mồng hai tháng sáu. Mộ táng tại chùa Đông, hợp táng với phu nhân Đỗ Thị, hiệu Từ Huệ, thuỵ Mỹ Hành. Ông sinh được hai con trai và bảy con gái. Con trưởng Giang Văn Trạch, giữ chức Quang tiến thần lộc đại phu, Mậu lâm lang hình bộ, Khâm hình tư lang trung, Khâm sai điện tiền đô điểm ty lục sự, thuỵ Tế phủ tiên sinh.

Con thứ huý Giang Văn Tôn, giữ chức Quang tiến thần lộc đại phu, Mậu lâm lang, Công bộ công trình, Tư lang chung, Khâm sai hành Nghệ an sứ, Đệ hình hiến sát sứ, thuỵ Cương trực tiên sinh. Ông là người hiếu nghĩa nhất mực, truyền đến nay đã hơn hai trăm tám mươi năm.

Chi Ất còn có ông Giang Văn Hiển, tự Ấm Khanh, cháu bảy đời của cụ Thám hoa, đỗ giải nguyên ở khoa thi Giáp ngọ, giữ chức Kinh kỳ đạo trưởng, Giám sát ngự sử. Về phần mộ, nếu chẳng còn biết rõ, điều đó khó cho việc khảo sát sau này.

Mùa xuân năm Kỷ dậu, Tự Đức năm thứ hai (1849), tướng công Giang Văn Thanh với ông Ấm Khanh cùng với môn nghị soạn gia phả họ Giang, theo trích lục sử của đời Lê biên soạn, để biết được các bậc tiền nhân của Họ từ thuở ban đầu có công giúp vua giữ nước, làm cho đời sau biết được và ghi nhớ. Dù làm một lần, hai lần có lâu hơn nữa cũng phải viết cho được, không để mất và thiếu sót, đời sau mới biết và ghi nhớ như khắc vào bia đá vậy.

Tự Đức năm thứ hai, tháng Giêng, năm Kỷ dậu (1849).

Giáp thìn khoa, tiến sĩ nhạc đình Nguyễn Hữu Tạo hiệu Thành bái soạn.