Mông Phụ - Không gian văn hoá đá ong Việt cổ

Tựa và bài của Hàn Thuỷ Giang
Đăng ở VietNamNet 07:37' 08/05/2003
 

Làng Mông Phụ là một quần cư hình thành từ lâu đời, dân cư đông đúc, nhà cửa san sát kề nhau. Công việc dựng nhà hoàn toàn nhờ một thứ vật liệu địa phương độc đáo và rất đẹp - đá ong. Đá ong có ở mọi nơi, có chỗ sâu vài ba mét, có chỗ lưỡi đá lộ thiên trồi hẳn lên...

Xuất phát từ Hà Nội theo quốc lộ 32 qua thị trấn Phùng, hoặc đường cao tốc Láng - Hoà Lạc mới mở, rồi đi tiếp đường Cu Ba chạy từ Xuân Mai, ta đến một thị xã xinh xắn kề bên núi Tản sông Đà - thị xã Sơn Tây. Và sau khi tạm từ biệt những đường phố cổ kính, ngôi thành cổ và những dãy bàng đông tán đỏ, hè về tán xanh, ta đến vùng đất mà người trấn Sơn Tây xưa thường tự hào - đất hai vua Đường Lâm. Hai vị vua ấy là những vị anh hùng dân tộc người Việt ta rất tự hào: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Như thế có lẽ cách đây chừng hơn nghìn năm, đất này là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá phát triển sôi động.

Xã Đường Lâm là một cộng đồng dân cư nông nghiệp gồm năm sáu làng họp lại. Đến Đường Lâm ta sẽ đi trên những con đường làng vắng vẻ, hai bên có những dãy tường đá ong màu hoàng thổ loang lổ vết rêu và những cổng nhà khép kín khiến bầu không khí nơi đây có chút gì tư lự, mơ hồ... Sau bao biến đổi thời gian, lịch sử, đến nay chỉ còn duy nhất sót lại một chiếc cổng làng trong cụm dân cư này, ấy là cổng làng Mông Phụ. Cổng làng Mông Phụ đơn giản như bất cứ chiếc cổng của gia đình nào trong làng, chỉ duy nó mang kích thước của một cổng làng. Cổng án ngữ một cách cổ kính trên trục đường chính dẫn vào làng và được dựng theo lối cổ truyền. Phần mộc chọn theo mẫu tứ thiết: đinh, lim, sến, táu. Bốn cây cột cái đứng choãi chân trên những phiến đã xanh Đông Triều tròn vành vạnh như bốn chiếc cối đá đại đặt úp. Những chiếc hoành tròn được gác trên hai vì "chồng giường, kẻ truyền" tạo nên hai mái cân kiểu nhà tiền tế. Phần nề tường xây đá ong trần chít mạch, không "đao, đấu, diềm, mái". Ngày ngày đóng mở chỉ là hai cánh gỗ lim "cánh dế" dày chừng bốn năm phân, nghiến trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép.

Tên làng Mông Phụ theo chữ Hán nghĩa là đồi thấp... Cũng có một số cụ đồ triết tự hai chữ này như sau: Mông là lấy chữ đầu của gò Mông Sơn; Phụ là đồi Khúc Phụ - quê hương của Thánh Khổng Tử bên Trung Hoa. Ấy là việc giải nghĩa tên làng, còn thực tế, quả thực ngôi đình của làng nằm trên đỉnh một quả đồi thấp. Đình Mông Phụ là một ngôi đình lớn nằm trong hệ thống "đình Đoài". Đình không có niên hạn cổ kính như đình Thuỵ Phiêu, nhiều giá trị nghệ thuật điêu khắc như đình Đông Viên, Tây Đằng... Song đình Mông Phụ có nét độc đáo trong kiến trúc, đó là sạp đình, một lối kiến trúc Việt - Mường đậm nét. Đình này được mở rộng, trùng tu qui mô vào mùa đông năm Kỷ Mùi niên hiệu Tự Đức. Có một điểm đặc biệt tế nhị trong lề lối kiến trúc cổ mà ít người để ý, đó là dù xuất phát ở điểm nào (hoặc đến hoặc đi) không bao giờ ta phải quay lưng lại một cách trực diện với hướng chính của đình. Trước cửa đình là một khoảng sân rộng, có thể dùng chữ "mênh mông" nếu ta đã một lần đến đó. Sân đình thực chất là một nút giao thông - ngã sáu xoè ra như nan quạt toả về các xóm: xóm Sui, xóm Xây, xóm Trung Hậu, xóm Sải, xóm Đình.

Từ xa xưa, vào kỳ lễ hội người từ các ngõ nhỏ toả vào các trục đường chính, tụ lại nơi sân đình. Hội làng mở từ mồng bốn tháng Giêng đến chiều mồng mười, đoạn "tế khai xuân" là hết hội. Lễ hội xuân là lễ hội nông nghiệp, sản phẩm tế lễ là kết quả bàn tay cấy cày tạo ra cùng với những lời thỉnh cầu trời đất, thần thánh phù hộ cho mưa thuận gió hoà. Bên cạnh đình còn có hệ thống điếm ở mỗi xóm. Về mặt tín ngưỡng, có lẽ điếm là nơi thờ thổ thần xóm. Cũng như các làng quê Việt khác, Mông phụ có giếng đình, ngoài ra mỗi xóm hầu như đều có riêng một giếng. Mỗi giếng gắn với một lịch sử xây dựng, có cái còn có hẳn một văn bia, như giếng xóm Sui có tấm bia ghi khắc ngày khởi công đào với bốn chữ: "nhất phiến băng tâm" - tam dịch: một mảnh tâm trong sạch. Có lẽ bốn chữ trên được rút từ câu thơ Đường: "Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ".

Làng Mông Phụ là một quần cư hình thành từ lâu đời, dân cư đông đúc, nhà cửa san sát kề nhau. Công việc dựng nhà hoàn toàn nhờ một thứ vật liệu địa phương độc đáo và rất đẹp - đá ong. Đá ong có ở mọi nơi, có chỗ sâu vài ba mét, có chỗ lưỡi đá lộ thiên trồi hẳn lên. Khác với đá vùng Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Đông, Cổ Đông... dá ong ở Đường Lâm sau khi khai thác ở lò về kích thước to lớn, hình thức thô nhám hoàn toàn không gia công lại mà cứ thế xếp chồng lên thành tường thành nhà. Có nhìn mới ngỡ ngàng thấy cái đẹp ấy quả là vô song, cái đẹp ấy bổ sung vào nội hàm cụm từ "làng Việt cổ". Xa quê lâu ngày mà sao nhung nhớ quá cái màu thổ hoàng của tường đá ong rực lên trong nắng chiều xứ Đoài...

Sẽ thiếu sót nếu viết về không gian văn hoá vùng đất này mà không nhắc đến tên tuổi một số bậc "Quốc sĩ" như cụ Thám hoa Giang Văn Minh, quan Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn - Nguyễn Khắc Nguyên hay cụ Tuần phủ Phan Kế Tiến, là thân phụ cụ Phan Kế Toại... và còn nhiều bậc học rộng tài cao song không may mắn trên con đường khoa cử. Nói thế là để tạm giới thiệu về tính hiếu học của vùng đất này. Kết thúc xin dẫn ra đôi câu đối trong từ đường cụ Thám hoa Giang Văn Minh.

Lễ nghĩa bách niên Mông phụ ấp
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn.


Xin tạm dịch:
Lễ nghĩa trăm năm là làng Mông Phụ, tiếng thơm nghìn thuở cửa cụ Thám hoa này.

Xem các bài khác