Mông Phụ - nơi kết tinh giá trị văn hoá làng thuần Việt

Tựa và bài của Thu Nga - Phương Ly
Đăng ở Internet 10:06, 31/08/2004
 

Thực tế thật xót xa khi ở nước ta không còn nhiều những làng quê cổ giàu giá trị văn hoá theo đúng nghĩa đen của nó. Vì vậy, những yếu tố làm nên bản sắc làng quê Việt Nam xưa còn tìm được ở Mông Phụ là niềm tự hào nhưng cũng là sự thách thức đối với những ai muốn lưu giữ giá trị văn hoá làng truyền thống trong vỏ bọc của kiến trúc Việt hiện đại.

Sử sách ghi lại rằng, cách đây mấy nghìn năm, làng Mông Phụ (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) do người Việt cổ di cư từ vùng núi xuống đồng bằng sinh sống lập ra. Người Việt lúc đó đã chọn bến Mải, nơi có gò đất cao, khá bằng phẳng và gần sông để lập làng. Làng Mông Phụ cổ hình thành từ đó, mang theo cả những khao khát khám phá về một miền đất mới. Tuy đất chưa quen, dòng chảy chưa thuộc, nhưng ý thức dựng làng, giữ làng để phát triển cho đời sau đã đi vào tâm thức người dân qua hàng nghìn thế hệ. Đó cũng là chủ đích cao nhất của ông cha làng Mông Phụ xưa. Ý thức ấy không nằm trong văn bản, bút tích, nó được khởi xướng với nhiều ẩn ý từ cách dựng lên cái cổng làng này. Hướng Đông, nơi bắt nguồn ánh sáng của sự sống, nơi bắt đầu cho cái mới, nơi cho đất nhiều nguồn sinh lực nhất, đã được ấn định làm vị trí cho cổng cho làng.

Theo lời cụ Giang Văn Khuê, một trong những người cao tuổi ở làng Mông Phụ, cổng làng được làm quay về hướng đông bởi quan niệm truyền thống cho rằng huớng Đông là hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng và tốt đẹp hơn. Cổng làng được xây dựng vào năm 1553 (Đời vua Lê Thần Tông).

Người già trong làng cho biết, cổng làng được làm bằng gỗ mít. Cây mít được chọn làm cổng phải rất to. Tường của cổng làng được làm bằng đá ong đào từ lòng đất, cát thì lấy trên gò ở địa phương rồi trộn vôi với mật, tạo thành hỗn hợp kết dính để xây cổng. Ngày ấy, những thứ không hiếm, không quý như gỗ mít, đá ong bây giờ lại trở thành vật có giá trị không gì có thể so sánh được. Cổng làng xưa chỉ đủ cho vài người gánh lúa nghỉ ngơi, là chỗ trú cho vài bác đi tuần làng. Vừa là ranh giới nhưng cũng là sợi dây liên kết, nối các vật điểm chỉ ngay đầu làng, từ gốc đa, bụi duối, thảm lúa, cho đến mảnh gương nước ao làng.

Ở Mông Phụ còn gần như nguyên vẹn các giá trị của một làng quê Việt Nam truyền thống. Cây đa, giếng nước, sân đình luôn gắn bó, hoà quyện với đường làng ngõ xóm, cổng làng tạo nên một kiến trúc cộng đồng thuần khiết. Có người nghĩ rằng, cổng làng, ao làng, bụi duối khóm tre hay cây đa, làng nào chả có. Nhưng ở Mông Phụ, những yếu tố rất bình thường ấy lại chứa nhiều dấu tích thể hiện sự ngưng đọng của thời gian. Nơi đây như tái hiện lại những cảnh thật nhất về đời sống ông cha cách nay đến hàng thế kỷ.

Trung tâm của làng là nơi trũng, dốc. Ít ai biết rằng, chen giữa lòng gò đất cao này lại là xoáy đất linh thiêng mà người Mông Phụ xưa chọn để đặt đình làng tại đó. Lệ làng, hương ước, hội làng cũng từ chính cái đình cổ này mà ra. Đó là nơi gửi gắm biết bao ước nguyện, tâm thức của người Mông Phụ.

Theo lẽ thường, người dân ở các làng quê Việt luôn cầu mong cho "mưa thuận gió hoà" để mùa màng được bội thu nhưng người Mông Phụ lại cầu cho khoa cử. Với người làng Mông Phụ, công danh, trí tuệ, lễ nghĩa là điều cao cả để nhào nặn nên một con người. Người c ích là người hiểu biết. Khi đã biết, người đó có thể giữ làng và dựng được làng. Quan niện đó không chỉ truyền miệng mà còn khắc vào đầu đao, góc mái và cả những hàng cột gỗ bền bỉ cùng thời gian. Qua hàng trăm thế hệ, dù kẻ ở người đi, nhưng mỗi người dân Mông Phụ đều mang trong mình chí hướng đó.

Ấn tượng sâu sắc nhất khi đặt chân đến làng là ngôi đình cổ đặt ở giữa làng. Những người già trong làng kể rằng, ngôi đình cổ này cũng được xây dựng cùng với thời gian dựng cổng làng (tức năm 1553). Hướng của đình nhìn về phía đồi Dum, là nơi mà nước chảy về làng nên người Mông Phụ khi thi cử lúc nào cũng được hàng quan. Đình làng có hai giếng tên Bình, Nghiễu chảy tràn toả ra hai bên. Người Mông Phụ xưa nhìn vào núi, lấy đó làm chuẩn để lập làng, nhờ vậy mà có nhiều hàng quan kế tục.

Bà Vũ Thị Vọng, Trưởng Ban Văn hoá xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Tây), cho biết: "Trong khi xây dựng ngôi đình này, ý tưởng các cụ ngày xưa là chạm trổ các bức hoành phi và những bức lão long huấn tử. Bức hoành phi một rồng mẹ và chín con rồng con cùng một quyển vở, một cái bút ngụ ý rằng mọi người phải luôn chăm lo đến sự học hành của con cháu. Vì thế, làng này luôn luôn có người ở hàng đỗ đạt cao, hiện nay nhiều người thi đỗ đại học. Đến nay, đình vẫn là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng".

Trong kiến trúc làng quê Việt truyền thống, đình làng cổ kính có những hàng cột được xếp theo vị trí ngôi thứ hiển hiện theo một lối kiến trúc riêng. Những yếu tố đó hội tụ một cách toàn diện ở đình cổ Mông Phụ. Từng khối kiến trúc ấy có tuổi đời gần nhau, phong cách giống nhau, chúng quện thành không gian thống nhất tuơng đối hoàn chỉnh.

Bên cạnh đình làng, hệ thống nhà thờ họ trong làng còn được lưu giữ nguyên vẹn. Đây chính là không gian tinh thần thứ hai của làng, mà cụ thể hơn là của riêng một dòng họ. Nhà thờ họ Giang, nơi thờ sứ thần Giang Văn Minh (thế kỷ XVII) đi sứ xoá nợ Liễu Thăng, là một minh chứng. Nó như lời nhắc nhở truyền tụng của đất hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, chúa Trịnh Tráng, bà Ngô Thị Ngọc Diệu rằng: đất Mông Phụ - Đường Lâm là đất học, đất của chữ hiếu nghĩa, đất của nơi làm nên một người Việt thực thụ. Thế mới hiểu v sao ngầm trong dòng máu người Mông Phụ cái khát khao vươn lên lại đằng đẵng suốt đời.

Dấu tích viên gạch góp của những chàng rể lấy vợ Mông Phụ đến nay vẫn chưa mất đi trên những bức tường đất bùn và đá ong cổ. Không thể xoá được hình ảnh của làng chừng nào từng viên đá ong còn được dựng nhà. Từ xưa đến nay, đá ong ở đây vẫn là thứ sẵn có nhưng nó lại là vật liệu quý để xây dựng nên các công trình trong làng. Đặc tính của loại đá này là càng để lâu càng tốt, khi xây không tốn nhiều công trát, song vẫn đảm bảo cho khối tường dày, đủ làm mát nhà khi trời nóng, đủ sưởi ấm nhà khi trời lạnh. Người làng Mông Phụ kể rằng: "Từ thời cụ tổ đã có đá ong, loại đá này phải đào từ dưới lòng đất lên. Mỗi lần đào rất khó vì mỗi viên thường to khoảng 15-40 cm".

Từ những giá trị văn hoá truyền thống còn lưu giữ được Mông Phụ, vấn đề đặt ra là phải gìn giữ làng Việt cổ này như thế nào. Điều đó không chỉ bằng lời nói, văn bản hay những cách thức bảo tồn mang tính tạm thời. Làng cổ này cần một sự nghiên cứu thực tế để gìn giữ, bảo vệ. Không chỉ ở bản thân công trình văn hoá này mà còn cả một cụm quần thể quỹ kiến trúc làng truyền thống ở xã Đường Lâm. Có như vậy, làng Mông Phụ mới không lạc lõng trong đời sống kiến trúc hiện đại và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt.

Xem các bài khác